hình
Dự án Xây trường Tottochan mùa hai đã kết thúc tại điểm trường tiểu học Ma Nới (thôn Hà Dài, xã Ma Nới, Ninh Sơn, Ninh Thuận); đem lại 39 khoảnh khắc ước mơ cho các em nhỏ người Ragrai. Sau đây là một vài ghi nhận từ chương trình
TotoBung_h7
Tập thể lớp Tottochan Ma Nới cùng với các thầy cô giáo TNV
TotoBung_h6
Trao thường cho 06 bạn xuất sắc nhất khoá học
1. Cảm nhận của anh Vũ Minh Khuê – mạnh thường quân của Xây trường Tottochan mùa hai
” Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” là cuốn tự truyện nổi tiếng của Kuroyanagi Tetsuko (Totto-chan là tên thân mật của bà hồi nhỏ). Câu chuyện kể về 1 ngôi trường đặc biệt – được làm từ các toa tàu cũ, của những trẻ em đặc biệt. Ở đấy, các em không phải học theo chương trình có sẵn mà tự lập nên chương trình học riêng cho mình. Các thầy cô chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn các em học các bài học của mình, các em được tôn trọng, được tự do phát huy những các tình, khả năng bẩm sinh….đặc biệt các em rất gần gũi và yêu thiên nhiên. Sau này ra đời, dù đều là các học sinh cá biệt, có em khuyết tật nhưng trưởng thành đều là những người thành công có ích cho xã hội.
Ở Việt Nam, cũng có 1 ngôi trường đặc biệt như vậy, trường Tottochan của cô Trinh Vu Dinh và các bạn tình nguyện viên. Năm 2017 trường được lập điểm ở Ma Nới, Ninh Sơn, Ninh Thuận. Đây là 1 xã cùng sâu vùng xa của Ninh Thuận với bà con chủ yếu là dân tộc Raglai, cuộc sống của học sinh ở đây rất thiếu thốn, các em cứ như những cái cây ngọn cỏ trong rừng, đói thì ăn mệt thì ngủ…có khi ra suối ra khe uống nước và hầu như không có khái niệm vệ sinh các nhân hay giới tính (đầu đứa nào cũng chi chít chấy). Cha mẹ các em đều là đồng bào dân tộc, nghèo đói…vì mưu sinh họ lên rừng lên rẫy có khi 1,2 tháng mới về và bỏ mặc cho những đứa con cho người thân hoặc đồng bào…Khi tham gia trường Tottochan, các em được ăn ngày 2 bữa, được dạy về việc vệ sinh cá nhân, giới tính. Đặc biệt các em sẽ được học về giá trị của hạnh phúc, sự chia sẻ hay phát huy những tài năng, các tính riêng của bản thân mỗi em. Trường chỉ có 6 bài học, dạy 6 ngày trong tuần tương ứng với 6 toa tàu:
Toa 1, thứ 2: Hạnh phúc.
Toa 2, thứ 3: Chia sẻ.
Toa 3, thứ 4: Lựa chọn thái độ.
Toa 4, thứ 5: Tài năng
Toa 5, thứ 6: Sáng tạo
Toa 6, thứ 7: Tự tin.
Rất buồn là vì kinh phí và các điều kiện không cho phép (trường không thể thay hệ thống giáo dục và chăm sóc ở địa phương) mà ngôi trưởng chỉ tồn tại 1 tháng trong thời gian hè. Nhưng mình tin rằng với quan niệm “Tạo khoảnh khắc thay đổi số phận”, những kỷ niệm và bài học các em học được sẽ theo các em đi suốt phần đời còn lại. Và sau này các em sẽ nhận thức rõ hơn về bản thân để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn mà ông bà, cha mẹ các em đã mắc phải: nghèo đói-kém học-nhận thức kém-nghèo đói. Và mình ước có hàng nghìn, hàng vạn ngôi trường như thế trên đất nước Việt Nam.
hình
Anh Vũ Minh Khuê – nhà tài trợ chương trình trao từng chai thuốc trị chí cho từng em học sinh
2. Cảm nhận của cô Vũ Thanh Phương – trưởng đoàn điều phối hoạt động tại địa phương Xây trường Tottochan mùa hai
Vậy là sau những ngày cô trò cùng nhau vật lộn với cái nắng hanh khô và đầy gió Ma Nới, Ninh Thuận, ngày Bừng Sáng cũng đến. Trước đó hai, ba ngày các thầy cô đã đùa nhau rằng: “”Thứ sáu này tổng kết rồi, trò thì bừng sáng mà thầy cô đừng có bị bừng cháy nghen”. Sao lại đùa như thế? Chả là mỗi ngày sau giờ học, mỗi thầy cô phải chuẩn bị cho nhóm học sinh của mình một tiết mục văn nghệ, nhảy, múa, hát, đóng kịch…sao cũng được, nhưng phải có để góp phần vào ngày Bừng Sáng. Hẹn nhau 3 giờ chiều, mà cứ 1 giờ rưỡi thì trò đã đến đông đủ cả, chạy giỡn cười nói tưng bừng dưới cái nắng vỡ đầu. Sợ các em chơi giỡn nắng nôi lại bệnh, hai cô trong đoàn, cô Hương và cô Tiên, thường hy sinh giờ nghỉ trưa để tổ chức trò chơi, quây quần các em dưới bóng cây cho đỡ nắng, một phần cũng vì muốn giữ trật tự cho những thầy cô khác nghỉ ngơi. Nghĩ mà thương. Các em học sinh ở đây rất ngoan cơ mà cũng hiếu động lắm, nên việc tập văn nghệ cho các em cũng không phải là dễ. Một phần vì các em chưa thạo tiếng Kinh, một phần có lẽ vì các em vui quá nên chạy nhảy suốt. Thế là cô Chích và cô Phương phải vào ban hình sự, nghiêm mặt, cao giọng một hồi thì các em mới ngay hàng thẳng lối. Thi thoảng một cơn gió mát thổi qua, xen lẫn tiếng cười khúc khích của các bạn bên nhóm nhảy cô Hiền, xa xa giọng của hai em Nệp và Hằng ngân nga thánh thót “…cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay…”.
Tối thứ năm, ai cũng mệt phờ nhưng vẫn hăng say bàn soạn cho chương trình ngày mai, chỉ sợ có sơ suất gì, trong lòng chộn rộn và mông lung lắm. Ngày mai, lần đầu tiên học sinh của chúng ta được đứng trên sân khấu biểu diễn trước nhiều người. Ngày mai các phụ huynh sẽ thấy con em họ tự tin, sáng ngời thật khác với những đứa trẻ nhút nhát của một tháng trước đó và ngày mai…ngày mai cũng là ngày gặp mặt cuối cùng…ôi, Ma Nới, sẽ nhớ lắm những ngày cùng lội suối đưa các em về nhà. Con đường đầy chuồn chuồn bay và tiếng suối chảy róc rách.
hình
Một lớp học với bao đôi mắt háo hức, say mê
5h30 sáng ngày thứ sáu, mọi người trong đoàn đã tươm tất, thầy Huân tất bật chạy ra sân sắp bàn ghế rồi qua điểm trường Hà Dài đón các em, cô Tiên và cô Hiền thì sốt vó với máy quay và kịch bản chương trình. Phần thưởng và giấy khen cô Huyền Hòa và cô Hương chuẩn bị, bưng ra rồi lại sắp lại sao cho đẹp mắt nhất. Thư mời 7h30 sáng mà 7h15 vẫn chưa thấy khách mời nào đến, làm cô Phương cứ phải hỏi đi hỏi lại học sinh là ba mẹ các con có đến được không vậy? Các em đồng thanh trả lời “Dạ, có” mà cô vẫn không hết lo. Trong khi nhạc bài hát Waving Flag sôi động từ sáng, các em vui vẻ lắc lư theo nhạc thì thầy cô càng nghe nhạc càng sốt hết cả ruột. Rồi 7h25, từ xa các vị phụ huynh bắt đầu đến. Có người còn nguyên đồ đi rẫy về, trên bàn tay đen nhám, tấm thư mời còn thẳng tươm. Có người rụt rè, “cô giáo ơi, tôi làm mất thư mời rồi, có vào được không?” Cô giáo vui quá xá “tất nhiên là được chứ ạ”. Những khoảnh khắc ấy thật trân quý biết bao.
Xã Ma Nới thật đúng giờ, 7h30 là khách mời đến đông đủ. Tập thể lớp Tottochan chào mừng mở đầu buổi lễ bằng màn nhảy Flashmob, em nào nhảy đẹp, nhớ nhạc thì được xếp lên trên. Thật ra các thầy cô lo lắm, sợ các em quên bài, mặt ai nhìn cũng căng. Nhưng đến khi nhìn các em biểu diễn thì chỉ thấy xúc động thôi. Trên sân khấu, các em trông thật đẹp, thật sáng. Em nào trông cũng thật hạnh phúc. Có ai ngờ, các em học sinh tại điểm trường Hà Dài, một điểm trường được cho là “vùng trũng” của xã với những em học sinh khá chậm và khó theo bài, lại có thể làm được điều này! Nhìn xuống phía khán giả, nụ cười lan tỏa trên gương mặt cha mẹ các em, đôi mắt họ ánh lên niềm tự hào. Cuối giờ, một phụ huynh còn nán lại “cô giáo ơi, tôi sẽ cho con tôi đi học hoài, không bắt nó nghỉ ở nhà làm rẫy đâu”. Các cô nghe mà trong lòng vui như núi đồi lộng gió, vì công việc của các cô, của hành trình Tottochan này, chính là để chắt chiu những mầm xanh, những tia sáng như vậy.
Cuối buổi lễ, các em được nghe lời dặn dò từ cô Đinh Thị Vũ Trinh, người sáng lập dự án, các em tuy chưa gặp cô nhưng nghe giọng cô qua điện thoại là im lặng lắng nghe ngay, có vẻ thân mật và âu yếm lắm. Cô dặn dò các em nhớ cô thì hãy nhớ đánh răng, gội đầu hằng ngày, biết yêu thương và phải tự tin nhảy múa ca hát nữa….
Thế đó, chuyến tàu Tottochan của chúng tôi đã đến với Ma Nới bằng tất cả yêu thương và một niềm hy vọng không ngừng. Hy vọng những mầm xanh bé nhỏ chúng tôi đã gieo trồng sẽ lớn lên trong hạnh phúc với sự phát triển toàn diện. “Thay đổi đất nước từ giáo dục trẻ nhỏ”, dẫu biết rằng con đường này phía trước còn nhiều trở ngại, nhưng cứ một mùa đi qua chúng tôi sẽ lại xây thêm một đường ray mới. Tin rằng, sẽ có lúc những đường ray này sẽ đưa tất cả các em học sinh từ khắp mọi miền đất nước đến cùng một sân ga. Đó chính là Chân-Thiện-Mỹ.
3. Những tình nguyện viên Xây trường Tottochan mùa 2
Vũ Thanh Phương (trưởng đoàn) sn 1990, Giáo viên tiếng Anh tự do
Trần Huỳnh Tiên, sn 1994, Biên tập viên mảng nội chính VNPT-Media
Trần Thị Minh Hiền, sn 1995, Sinh viên năm 3 Đại học Luật tp Hồ Chí Minh
Võ Thị Thanh Hương, sn 1997, Sinh viên năm 2 Đại học sư phạm tp Hồ Chí Minh
Nguyễn Hoàng Huân (phó đoàn), sn 1997, Sinh viên năm 2 Đại học Sư phạm Kỹ Thuật
Nguyễn Thị Thu Huyền Hòa sn 1980, Giáo viên Văn trường THPT Tôn Đức Thắng – Ninh Thuận
Trần Thị Kim Liên sn 1955 (hỗ trợ hậu cần) , Đảng viên hưu trí (Bình Phước)
hình
Lúc nào các em cũng ôm chặt lấy cô như không muốn rời xa (TNV Trần Thị Minh Hiền)
hình
Cô Trần Huỳnh Tiên chăm sóc các bé sau giờ học
hình
Toàn đội TNV Tottochan mùa 2
4. Hiệu quả Xây trường Tottochan 2017
Thời gian hoạt động (từ ngày 05/07- 12/07 và từ 23/07- 04/08 năm 2017)
Tổng quỹ vận động và danh sách các khoản chi được cập nhật tại Quỹ Tottochan 2017
Trong điều kiện khó khăn là hạn chế về thời gian cũng như hoàn cảnh gia đình học sinh, phần lớn các em đều có bố mẹ đi rẫy hoặc phải theo gia đình lên rẫy, chương trình “Xây trường Tottochan” đã cố gắng duy trì sỉ số lớp 39/44 em đã đăng ký, truyền đạt cho các em học sinh những bài học nhằm khám phá tài năng và giáo dục những kỹ năng cần thiết cho các em như phòng chống cháy rừng, chống bị đuối nước hay giáo dục giới tính. Các em được giới thiệu cơ bản và thực hành một số ngành nghề qua các môn học gồm kinh doanh, khoa học, tổ chức sự kiện, nông lâm nghiệp, nghệ thuật, tiếng Anh với những bài học thực tế như trồng cây, chế tạo đồ chơi, tập tổ chức một bữa tiệc sinh nhật…Các em được giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường như không phá rừng, không xả rác.Các em học sinh học cách xếp hàng, ổn định trật tự đội hình đội ngũ. Sau quá trình học tập, các em đã trở nên tự tin hơn, mạnh dạn phát biểu ý kiến cá nhân trước tập thể. Đặc biệt các em đã có ý thức bảo vệ và giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay trước khi ăn, đánh răng mỗi ngày.
Hỗ trợ của chương trình: Chương trình tài trợ 100% học phí cho các em trong thời gian học, tài trợ cho các em 39 phần ăn sáng và trưa cho tất cả các ngày học từ 23/07 đến 04/08/2017, tài trợ toàn bộ dụng cụ học tập cho các em trong suốt quá trình học, mỗi em học sinh được nhận 2 bộ quần áo đồng phục và một bộ bàn chải kem đánh răng.
Chương trình còn tặng 3 phần quà là 3 con heo con cho 3 gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong lớp và huy động tất cả học sinh giúp ba gia đình dọn dẹp nhà cửa; tài trợ 39 phần quà kết thúc khóa học cho các em theo đúng nguyện vọng và nhu cầu (Mỗi suất bao gồm một cái ba lô, một bộ quần áo mới, một chai dầu gội trị chí và 5 quyển tập)
Về phía nhà trường và địa phương, Chương trình đã giúp kết nối với báo Thanh Niên đưa tin về cây cầu qua suối. Chương trình không gây đủ quỹ tài trợ xây hàng rào tại điểm trường Hà Dài như đề xuất ban đầu từ nhà trường.
Trung tâm Giáo dục Kỹ năng và Truyền thông Cộng đồng SECC
50/12, đường 79, phường Tân Quy, Quận 7, TP.HCM
Hotline: 0903309299 – 08 22003693
contactus.secc@gmail.com
Web: http://unesco-secc.org/
Discussion about this post